Vị trí của người phụ nữ Nhật Bản thay đổi rất nhiều trong quá trình lịch sử. Những nghiên cứu về lịch sử phụ nữ cho thấy, ít nhất là trước thế kỷ 11, phụ nữ Nhật Bản luôn đóng vai trò trung tâm trong gia đình, giống như nhiều xã hội mẫu hệ. Bên cạnh đó, phụ nữ còn có ảnh hưởng đặc biệt to lớn đối với tôn giáo và chính trị. Trong thế kỷ 7 và thế kỷ 8, một vài người phụ nữ trở thành Nữ hoàng, ví dụ như các nữ hoàng Suiko, Saimei, Jito và Koken.
Từ thế kỷ 6 trở về sau, cùng với sự du nhập của đạo Khổng và Phật giáo, xã hội chuyển dần sang cơ cấu gia trưởng. Tuy nhiên, những phụ nữ tầng lớp thượng lưu vẫn thường là những người có học cao và có những quyền quan trọng như quyền thừa kế gia tài, cho đến khi họ bị tước mất những quyền này trong thời kỳ chuyển sang kinh tế phong kiến theo hướng phục vụ chiến tranh, bắt đầu từ thế kỷ 12. Mấy trăm năm tương đối hòa bình trong thời Edo (1600-1868) dường như càng củng cố cơ cấu gia trưởng và đẩy người phụ nữ vào vai trò phụ thuộc. Chỉ từ thời Minh Trị (1869-1912) trở đi, nhất là từ sau Thế chiến 2, khi có nhiều cơ hội công ăn việc làm cũng như giáo dục, cùng với nhiều cải thiện về pháp luật, phụ nữ Nhật Bản mới phần nào có vị trí xứng đáng.
Sau Minh Trị Duy Tân năm 1868, việc áp dụng giáo dục phổ cập vào năm 1873 có nghĩa là ngày càng nhiều trẻ em gái được đến trường, ít nhất cũng hết bậc tiểu học. Song việc giáo dục cho các em gái bị tụt hậu so với việc giáo dục cho các em trai, và chính sách của chính phủ nêu rõ rằng, nên đào tạo sao cho các em gái trở thành người nội trợ giỏi, giữ truyền thống coi phụ nữ là “những người vợ đảm và những bà mẹ thông minh”, tiếng Nhật gọi là ryosai kembo.
Một số phụ nữ cũng tham gia các cuộc đấu tranh dẫn đến Minh Trị Duy Tân, nhưng Luật Dân sự Minh Trị năm 1898 chỉ dành cho họ những quyền hạn chế như quyền li dị và quyền sở hữu tài sản, lại bắt buộc phải có sự đồng ý của người chồng trong hầu hết các vụ kiện pháp lý.
Khi Thế chiến 2 kết thúc, lực lượng chiếm đóng lấy cơ cấu dân chủ của Mỹ làm hình mẫu nên các đạo luật về phụ nữ ở Nhật Bản nói chung cũng tương tự như các đạo luật của Mỹ. Hiến pháp năm 1947 cấm phân biệt giới tính trong chính trị, kinh tế, quan hệ xã hội, đồng thời khẳng định các đạo luật được ban hành trên cơ sở bình đẳng giới tính và tôn trọng nhân phẩm của cá nhân. Luật Dân sự cũng khẳng định sự bình đẳng giữa vợ và chồng. Các tòa án gia đình can thiệp vào những vấn đề như tranh chấp tài sản và quyền nuôi con. Song thực tế, không phải các quy định trong luật luôn được thực thi nên xã hội gia trưởng của Nhật Bản vẫn là một chủ đề được nói đến rất nhiều, trong khi nước Nhật hiện đại đang chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ mới.
Ở Nhật Bản, theo truyền thống vợ và chồng hầu như có thế giới riêng và thực tế này hiện vẫn khá phổ biến, tuy có xu hướng tiến tới quan hệ chặt chẽ và trao đổi với nhau nhiều hơn. Cuộc sống của người chồng tập trung vào công việc, dành nhiều thời gian rỗi với các đồng sự nam giới của mình trong mối quan hệ xã hội không có sự tham gia của vợ. Còn cuộc sống của người vợ tập trung vào gia đình, con cái và hàng xóm. Ở nhà, người vợ có quyền to lớn vì thường là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc điều hành ngân sách của gia đình và luôn quyết định về những việc liên quan đến con cái. Nói chung người vợ ở Nhật Bản không đề nghị và không trông đợi chồng giúp đỡ các công việc nhà, thậm chí ngay cả khi bản thân người vợ phải đi làm.
Trong những năm thịnh vượng vào thập kỷ 60, số cuộc kết hôn tăng mạnh. Nhưng gần đây, tuổi lập gia đình trung bình đã tăng lên. Theo số liệu năm 1997, tuổi kết hôn lần đầu trung bình của nam là 28,5 và của nữ là 26,6. Số lượng phụ nữ không lấy chồng cũng tăng lên vì trình độ học vấn cao và cơ hội nghề nghiệp đã tạo nên sự độc lập về kinh tế.
Số lượng nữ thanh niên học lên cao sau khi tốt nghiệp phổ thông tăng dần mỗi năm kể từ Thế chiến 2. Năm 1989, tỉ lệ nữ giới vào đại học và cao đẳng là 36,8%, lần đầu tiên vượt tỉ lệ của nam giới (35,8%). Vào năm 1997, tỉ lệ này lên tới mức kỷ lục là 46,8% trong khi tỉ lệ của nam giới giảm xuống còn 34,5%.
Kể từ khi phụ nữ Nhật Bản được quyền đi bỏ phiếu vào năm 1945, hầu như trong cuộc bầu cử nào số cử tri nữ cũng cao hơn cử tri nam giới. Tuy nhiên, đại diện của phái nữ trong cuộc sống chính trị vẫn quá ít. Năm 1950, họ chỉ có 3,4% đại diện trong lưỡng viện quốc hội. Tỉ lệ này tăng không đáng kể cho tới tận năm 1986 và vào năm 1999, tức là 52 năm sau khi có những nữ nghị sĩ đầu tiên, quốc hội cũng mới chỉ có 67 nữ thượng và hạ nghị sĩ, chiếm 8,9%. Trong chính phủ trung ương, phụ nữ nói chung chỉ nắm giữ các chức vụ cao trong các ủy ban hoặc vụ liên quan đến các vấn đề phụ nữ hoặc giáo dục. Trường hợp bà bộ trưởng bưu chính viễn thông Noda Seiko trong chính phủ của thủ tướng Obuchi là rất hiếm hoi.
Tỉ lệ tham gia của phụ nữ trong các ủy ban và hội đồng cố vấn quốc gia vào năm 1975 chỉ có 2,4%, đến tháng 9/1998 tăng gấp hơn 7 lần nhưng cũng mới chỉ đạt 18,3%.
Số lượng phụ nữ nắm giữ chức vụ cao trong các cơ quan chính quyền đang tăng lên, tuy còn ít ỏi. Vào tháng 12/1998, có 4 nữ thị trưởng và 9 phó tỉnh trưởng nữ. Nhật Bản cũng có 7 nữ đại sứ và 5 phụ nữ nắm giữ các chức vụ cao tại LHQ. Bà Ogata Sadako là người Nhật Bản đầu tiên được bầu làm Cao ủy LHQ phụ trách người tị nạn. Bà từng nắm giữ những chức vụ quan trọng khác như giám đốc nhân sự UNESCO, cố vấn phó tổng thư ký LHQ về các vấn đề kinh tế và xã hội, v,v…
Vị trí của người phụ nữ Nhật Bản trong xã hội đã thay đổi đáng kể nhưng về căn bản, có thể nói Nhật vẫn đi chậm hơn nhiều nước trên thế giới về vấn đề giải phóng phụ nữ, và lĩnh vực rõ nhất cho thấy “bình đẳng nam nữ” chưa hoàn toàn được tôn trọng chính là trong lao động.
Trước kia, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong lực lượng lao động nông nghiệp của Nhật Bản. Nhưng quá trình công nghiệp hóa sau Minh Trị Duy Tân năm 1868 đã kéo nhiều phụ nữ vào ngành dệt – ngành chủ lực thu ngoại tệ của Nhật Bản khi đó. Tuy nhiên, hầu hết các nữ công nhân này chỉ được nhận mức lương rẻ mạt, điều kiện làm việc hết sức tồi tệ trong khi họ phải sống trong những cư xá đông đúc, chật chội.
Trước năm 1930, số lượng công nhân nữ luôn cao hơn số công nhân nam và đa phần là công nhân ngành dệt. Tình hình suy thoái trên toàn thế giới trong thập niên 30 và việc chủ nghĩa quân phiệt lớn mạnh ở Nhật Bản đã thúc đẩy những nỗ lực đảm bảo tự cung tự cấp bằng cách mở rộng ngành công nghiệp nặng và quân đội. Ngành hóa chất trở thành nguồn tuyển dụng nhiều lao động nữ. Phụ nữ cũng bắt đầu làm các công việc chế tạo và đòi hỏi tay nghề cao vì nhiều nam giới phải đi lính.
Sau thế chiến 2, phong trào công đoàn dành ưu tiên bảo vệ quyền lợi cho những nam giới là lao động kiếm sống chính trong gia đình. Nhưng tình trạng nhiều phụ nữ độc thân và nghèo khó do chiến tranh khiến vẫn có nhiều lao động nữ. Trước thế chiến 2, hầu hết các lao động nữ ở Nhật Bản là thanh niên hoặc phụ nữ độc thân, nhưng do kinh tế phát triển mạnh trong thập niên 60, nhiều công ty bắt đầu tuyển dụng lao động hợp đồng và số lượng nhân viên nữ có gia đình tăng lên đáng kể.
Kể từ năm 1955, tỉ lệ phụ nữ có gia đình trong lực lượng lao động tăng gần gấp 3 lần, lên tới 64,9% vào năm 1990, trong khi số lượng lao động nữ dưới 19 tuổi giảm đi vì ngày càng nhiều nữ thanh niên tiếp tục học lên đại học hoặc cao đẳng sau khi tốt nghiệp phổ thông. Tuy nhiên, đa phần các phụ nữ chỉ làm các công việc mang tính chất không chuyên ngành hoặc lao động giản đơn.
Một tình trạng xảy ra ở cả Nhật Bản và nhiều nước khác là chênh lệch nam-nữ về tỉ lệ tham gia lực lượng lao động và mức thu nhập. Đặc biệt ở Nhật Bản, do định kiến đối với phụ nữ, sự phân biệt đối xử thể hiện rõ hơn ở các nước phương Tây. Nhiều người giữ lối suy nghĩ truyền thống cho rằng công việc chính của phụ nữ là phụng sự gia đình sau khi kết hôn.
Luật tiêu chuẩn lao động của Nhật Bản năm 1947 quy định phải trả mức lương bình đẳng cho cùng một công việc nhưng thực ra điều này hiếm khi được chấp hành vì nhiều công ty có xu hướng giao cho phụ nữ những công việc không có khả năng thăng tiến, gán cho công việc tên gọi khác nhưng thực chất vẫn là những việc mà nam giới thường làm, và ưu đãi nam giới hơn về thời gian thăng chức. Theo một cuộc thăm dò vào năm 1990, mức lương tháng trung bình của phụ nữ chỉ bằng hơn 60% mức trả cho nam nhân viên.
Theo thống kê của Bộ lao động, vào năm 1997, mức chênh lệch nam-nữ về lương khi mới vào công ty tương đối ít nhưng càng về sau càng tăng lên. Đối với những người chỉ tốt nghiệp cấp 3, mức độ chênh lệch về lương lớn nhất là ở lứa tuổi 50-54. Nếu lấy tiêu chuẩn lương của nam giới là 100 thì nữ chỉ là 71,8. Đối với những người tốt nghiệp đại học, chênh lệch nhiều nhất từ 40-49 tuổi, trong đó lương của nam giới là 100 thì lương của nữ giới chỉ là 81,8. Tình trạng chênh lệch lương ít lúc khởi điểm nhưng khoảng cách ngày càng rộng được đặt cho cái tên là “tình trạng nằm lì” (tiếng Nhật là netakiri chingin), xuất phát từ netakiri rojin, tức “người già nằm lì”.
Chênh lệch lương nam-nữ dẫn đến chênh lệch ngay cả giữa phụ nữ có gia đình không đi làm và phụ nữ độc thân đi làm. Ví dụ trường hợp phụ nữ không đi làm nhưng chồng chết vẫn nhận lương hưu nhiều hơn phụ nữ độc thân đi làm nhiều năm.
Sự chênh lệch giữa lương của nam và nữ ở Nhật Bản luôn lớn nhất trong số các nước công nghiệp phát triển. Lý do chủ yếu là vì lâu nay Nhật Bản áp dụng chế độ thâm niên, đánh giá cao những người làm việc suốt đời cho công ty. Trong khi đó, phụ nữ thường bị coi là có học vấn thấp hơn nam giới, thời gian làm việc lại ngắn hơn. Rất ít phụ nữ được bổ nhiệm vào các chức vụ cao trong kinh doanh và rất ít người được nhận trợ cấp nhà cửa hay nuôi người phụ thuộc trong gia đình giống như các đồng nghiệp nam. Nhiều công ty hiện vẫn có quan điểm chỉ tuyển lao động nữ vào các công việc tạm thời hoặc hạng thấp vì cho rằng họ chỉ làm việc đến khi lập gia đình hoặc sinh con.
So sánh giữa nam giới và nữ giới trong lực lượng lao động, có thể thấy ở tất cả các nước, tỉ lệ nữ giới làm việc văn phòng và dịch vụ đều cao hơn nam giới. Tỉ lệ nữ giới nắm giữ các chức vụ quản lý ở tất cả các nước đều kém nam giới, song ở Nhật Bản, tỉ lệ này đặc biệt thấp, chỉ là 9,3%, trong khi ở Đức là 26,6%, ở Na Uy là 30,6% và ở Mỹ là 44,3%.
Việc đấu tranh vận động đòi sự bình đẳng cho phụ nữ ở Nhật Bản đã diễn ra từ cuối thế kỷ trước, khởi đầu bằng các cuộc đình công rồi tiến tới ra những tờ báo riêng và lập các tổ chức của phụ nữ. Càng ngày phụ nữ Nhật Bản càng có tiếng nói hơn, khiến chính quyền phải có những phản ứng đáp lại một cách tích cực.
Hiện nay, Hội đồng chỉ đạo khuyến khích bình đẳng giới tính, bao gồm toàn bộ nội các và đích thân thủ tướng làm chủ tịch, đã tiến hành nhiều cuộc họp và đề ra Kế hoạch hành động quốc gia hướng tới bình đẳng giới tính vào năm 2000, đồng thời khuyến khích chỉ định phụ nữ vào các ủy ban và hội đồng cố vấn quốc gia để tăng từ tỉ lệ 18,3% vào cuối năm 1998 lên 20% trước cuối tài khóa 2000. Chính phủ cũng tổ chức các diễn đàn bàn về những biện pháp đối phó tình trạng bạo lực đối với phụ nữ hoặc tệ nạn quấy rối tình dục.
Bộ lao động đã quy định từ ngày 10 đến 16/4 hàng năm là “Tuần Phụ nữ”, đồng thời xúc tiến giáo dục và tuyên truyền để nâng cao vị trị của phụ nữ. Bộ này đã thông báo chi tiết cho các chủ công ty, các nhân viên và những bên liên quan về Luật bình đẳng cơ hội công ăn việc làm cũng như nội dung các sửa đổi đối với Luật tiêu chuẩn lao động và Luật nghỉ phép chăm sóc con cái và gia đình.
Một số điểm chính trong Luật bình đẳng cơ hội công ăn việc làm, mới sửa đổi từ tháng 4/1999, có nội dung như sau:
- Cấm phân biệt đối xử đối với phụ nữ trong việc tuyển dụng, bố trí công việc, thăng chức, giáo dục – đào tạo, các chương trình phúc lợi, tuổi về hưu bắt buộc, hưu trí, và bãi miễn.
- Chính phủ trung ương sẽ cố vấn hoặc có các hình thức giúp đỡ cho những chủ công ty đề ra các biện pháp năng động để xóa bỏ khác biệt giữa nam và nữ nhân viên.
- Cung cấp những chỉ dẫn hành chính cần thiết liên quan đến việc thi hành các đạo luật.
- Bắt buộc các chủ công ty phải có biện pháp cần thiết về quản lý nhân sự để ngăn chặn tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Trong khi đó, Luật tiêu chuẩn lao động được sửa đổi một phần mà điểm quan trọng nhất là loại bỏ những quy định đối với nhân viên nữ về làm việc ngoài giờ, làm việc ngày nghỉ và làm việc khuya nhằm mở rộng phạm vi nghề nghiệp cho nữ giới.
Liên đoàn các tổ chức phụ nữ Nhật Bản hoan nghênh Luật bình đẳng cơ hội công ăn việc làm nhưng đồng thời cũng chỉ ra thiếu sót của luật là chưa bảo đảm bình đẳng về kết quả cuối cùng. Vì luật không có quy định trừng phạt các chủ công ty nên thực tế, khi thiếu lao động thì họ sẵn sàng tuyển dụng nữ giới nhưng lúc kinh tế trì trệ thì phụ nữ là những người đầu tiên bị giảm biên chế.
Những sửa đổi đối với Luật tiêu chuẩn lao động cũng tạo ra nhiều vấn đề. Luật cũ không cho phép làm việc khuya để bảo vệ phụ nữ nhưng lại hạn chế công việc và cơ hội thăng tiến của họ. Luật mới bãi bỏ hạn chế kể trên để tạo thuận lợi về công việc cho phái nữ nhưng có thể dẫn đến khả năng phụ nữ phải làm việc quá giờ và làm việc vào ngày nghỉ, chẳng khác gì nam giới. Nhật Bản không giống như châu Âu, nơi có quy định giờ làm việc ít và bảo đảm đủ ngày nghỉ, nên sau khi áp dụng luật sửa đổi đã xảy ra tình trạng phụ nữ làm việc quá nhiều. Điều này cho thấy không chỉ cần chủ trương bình đẳng nam nữ mà còn phải cải thiện điều kiện làm việc nói chung ở Nhật.
Nếu nhìn vào những chênh lệch về tiền lương, cơ hội việc làm, tỉ lệ nữ nghị sĩ quốc hội, v,v… thì rất dễ dàng so sánh địa vị của phụ nữ ở Nhật Bản với phụ nữ ở các nước khác. Chính vì sự khác biệt rõ nét như vậy nên chính phủ trung ương và các chính quyền địa phương của Nhật Bản đều cố gắng cải thiện tình trạng đó.
Hiện tại, phụ nữ Nhật tham gia tích cực vào các phong trào hòa bình, phong trào công dân, tiêu dùng, v,v… và ở Nhật có khoảng 25.000 tổ chức phụ nữ tại các khu vực, có liên hệ chặt chẽ với Liên đoàn các tổ chức phụ nữ Nhật Bản. Xét về mặt luật pháp, nhất là những bảo đảm bình đẳng trong hiến pháp, phụ nữ Nhật Bản còn được bảo đảm nhiều hơn so với các nước khác. Vì thế, nói chung hiện nay các nhà hoạt động đòi quyền cho phụ nữ không phải vận động để thay đổi luật liên quan đến phụ nữ mà để làm cho các luật đó được thực thi nghiêm túc.
Tuy nhiên, những cố gắng của chính quyền sẽ chỉ là hình thức và những nỗ lực của phái nữ sẽ không hiệu quả nếu chưa thể thay đổi lối suy nghĩ đánh giá thấp phụ nữ vẫn khá phổ biến ở Nhật Bản. Để tạo nên sự thay đổi đó đòi hỏi sự tham gia của cả chính quyền, các cơ quan đoàn thể, việc giáo dục trong nhà trường, gia đình, và bản thân từng người dân./.